Theo các bác sĩ tại đây, tháng 8 và tháng 9 là thời điểm mà bệnh viện "trở nên đắt khách nhất" khi tiếp nhận hàng loạt các bạn trẻ thi rớt đại hoc
Theo chuyên viên tâm lý Trương Thị Hòa (Đơn vị Tâm lý Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM), trượt đại học đối với đa số thí sinh là một “cú sốc” về tinh thần. Đương nhiên, phần lớn vẫn tự vượt qua được sau một thời gian nhất định nhưng không ít em vẫn “mắc kẹt” lại với nỗi buồn và từ đó sinh ra những biểu hiện đáng lo ngại. “Có trẻ đang hiền lành bỗng dưng trở nên quậy phá, cố ý tham gia những việc mà trẻ tự cho là “ăn chơi, bất cần”; có trẻ thường ngày hoạt bát bỗng trở nên trầm tính, thờ ơ với mọi sự, sống thu mình...” - bà Hòa cho biết.
“Đây là lúc các em cần cha mẹ nhất nhưng đôi khi cha mẹ thấy con thi trượt lại càng la mắng dữ dội hơn. Khi ấy các em sẽ cảm thấy bị tổn thương, cho rằng cha mẹ không tôn trọng mình, không hiểu mình. Điều này có thể khiến các em trượt dài theo hướng tiêu cực về tâm lý cũng như lối sống” - bà Hòa cảnh báo.
Thực sự, những biến đổi tâm lý trên chưa hẳn do các em tự thất vọng về mình mà còn do sợ rằng đã khiến cha mẹ, người lớn trong gia đình thất vọng. Ở tuổi 18, nhiều em vẫn còn bị ảnh hưởng tâm lý nhiều từ cha mẹ. Bởi thế, cha mẹ có thể làm giảm bớt mà cũng có thể làm tăng thêm gánh nặng tâm lý đối với các em. Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng tốt nhất phụ huynh nên nhìn vào sức học, khả năng, thiên hướng của con thay vì đem những ước mơ của mình áp đặt lên con.
Hướng nghiệp trước kỳ thi là điều quan trọng nhưng hướng nghiệp sau khi các em thi hỏng còn quan trọng hơn. Nên giúp con lựa chọn ôn thi tiếp hay chuyển sang một hướng đi khác phù hợp hơn. Việc bắt tay “làm lại từ đầu” sẽ giúp sự bất ổn tâm lý dần được giải tỏa. Tuy nhiên, trước khi bước vào giai đoạn ôn thi hay làm việc mới, nên để các em có một khoảng thời gian thư giãn hợp lý như có các chuyến đi chơi cùng gia đình, tham gia các hoạt động xã hội... để tinh thần được thoải mái.
“Trong trường hợp những thay đổi về tâm lý, hành vi kéo dài mà phụ huynh không tự giải quyết được, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý và cùng họ tạo sự kết nối với con cái để giúp các em vượt qua cú sốc. Tuy nhiên, nếu bất ổn ở trẻ quá nặng nề như xuất hiện các biểu hiện trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống... thì nên tìm đến bác sĩ tâm thần” - bà Trương Thị Hòa đề nghị; đồng thời khuyên các em học sinh sau thất bại trong kỳ thi thì hãy thử bắt đầu một việc gì đó mới mẻ, ví dụ như một chuyến đi chơi xa cùng bạn bè hay một chuyến tình nguyện theo các đoàn công tác xã hội. Nhờ đó, có khi nỗi buồn sẽ sớm nguôi ngoai...
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét